YẾN SÀO - SẢN PHẨM DU LỊCH QUÝ HIẾM

Yến làm tổ vào đầu xuân, lúc đó dân ven biển chộn rộn chuẩn bị cho một mùa làm ăn với nghề khai thác Yến sào (sào là cái tổ). Có người còn cho rằng ngày trước khai thác tổ yến khó khăn lắm nên chỉ làm được những giáo thấp, muốn lấy được tổ yến ở xa phải dùng sào để chọc. Cách lấy này tổ bị vỡ nhiều, chất lượng kém, sau này có nhiều công cụ hỗ trợ, người lấy tổ yến có thể leo tới sát tổ, dùng tay trực tiếp nên tổ có chất lượng cao, lành lặn hơn và cái tên "sào" gắn luôn với nghề lấy tổ yến, thành thương hiệu cao cấp trong "Bát trân" (8 món ăn quí hiếm), tồn tại đến mãi ngày nay.

Chuyện về Yến sào thì đầy rẫy bí ẩn, chỉ riêng ăn yến thôi cái giá trên trời của món này cũng gây nên bí ẩn. Nó đắt đến nỗi không phải ai trong đời cũng dám chắc mình được một lần thưởng thức. Bởi thế nó mới có giá khoảng trên 4 ngàn USD/kg. Trước kia mấy ai biết được Yến sào tròn vuông thế nào vì nó đắt và hiếm lắm, nhưng hôm nay Yến sào có mặt ở khắp nơi, cả trong các chợ lớn ở thành phố. Cửa hiệu bán Yến sào chế biến, giá mấy trăm ngàn một chén nhỏ xuất hiện khắp nơi. Yến sào trở thành hàng hóa không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu, nhưng vẫn là thứ hàng cao cấp và đắt đỏ.

Nếu bạn đi du lịch một lần đến vùng có Yến sào ven biển miền Trung bạn sẽ có dịp tìm hiểu về sản phẩm độc đáo này, đó là nghề lấy tổ yến. Nghề lấy Yến sào ở nước ta có từ ngót 700 năm nay do một viên tướng thủy quân là Lê Văn Đạt thời Trần mang về hòn Tre. Sau này con cháu ông đã biết xuất khẩu sang Trung Quốc sản phẩm Yến sào, đóng góp một phần quan trọng cho tài chính của nghĩa quân Tây Sơn thời kỳ đầu.

Yến sào tập trung ở vùng biển duyên hải Nam Trung bộ, thời gian gần đây yến bắt đầu bay vào đất liền làm tổ, người dân cất nhà dụ chim về, có nhà nuôi yến mỗi năm thu nhập mấy trăm triệu đồng. Chim Yến và tổ yến trở nên thân thiết, gắn bó với người dân. Người ta quí chim bởi chim cũng có tình cảm thủy chung. Vai trò con trống trong gia đình chim cực kỳ quan trọng. Con trống làm tổ, ấp trứng, kiếm mồi, chăm sóc con cái và đặc biệt là không "xé rào" hoặc đi "bước nữa" nữa nếu con mái chẳng may qua đời.

Trên trang thông tin điện tử vẫn còn lưu truyện tình của vợ chồng yến đã được một tạp chí của Pháp đăng tải, làm xúc động hàng triệu người cách nay không xa. Hoặc chuyện vợ chồng yến ở Nha Trang cũng cảm động không kém: Chuyện rằng vợ yến nằm ấp trứng, con chồng bay ra bay vào chăm sóc vợ và kết thêm cái tổ chẳng may để rớt một sợi dãi vô tình như một sợi dây trói chặt vợ vào thành tổ, nó tìm mọi cách cứu vợ trong cơn tuyệt vọng, nhưng bất lực đành ôm vợ cùng chết. Yến còn là loài chim gắn bó với quê hương, nó có thể bay mỗi ngày hàng trăm km xa tổ để kiếm mồi, nhưng đều trở về đúng tổ của mình, không lẫn lộn đánh chửi nhau.

Cuộc sống chan hòa cả cộng đồng của chúng rất đáng khâm phục. Đặc biệt là khi đã quen nơi ở, dù tổ có bị lấy đi, chúng lại xây lại chứ không bỏ đi nơi khác. Do vậy ở các nơi trong Nam và miền Trung hiện đang phát triển đàn yến nuôi bằng cách xây nhà, tạo âm thanh dụ yến về, gọi là nuôi nhưng thực tế đâu có cho ăn gì, mà tự chim kiếm lấy thức ăn... Người ta tính nếu nhà đầu tư gọi được một cặp yến thiên nhiên về làm tổ trong nhà thì coi như là mỗi năm có trên hai triệu, thực tế yến đã về thì có khi lên tới cả ngàn con, cho nên con người đã lấy chim yến làm mồi cho kinh doanh bất động sản. Nếu mỗi cặp yến làm tổ 2 lần trong năm (cá biệt 3 lần), mỗi tổ nặng trên 10g, được bán 4.000USD/kg, thu được gần trăm USD/cặp.

Nuôi yến và khai thác yến là một trong những nghề HoT nhất, nhưng thật ra nghề nuôi, cũng như khai thác, khó khăn trần ai lắm! Có người bỏ ra cả gần tỷ bạc xây nhà, mua thiết bị gọi yến, nhưng đợi cả năm cũng chẳng thấy con nào, cuối cùng dở khóc dở cười lo tiền trả lãi ngân hàng vã mồ hôi hột. Còn nghề khai thác thì hiểm nguy rình rập, đến nỗi người thợ lấy tổ Yến phải kiêng khem đủ thứ, nhất là gần phụ nữ phải tuyệt đối kiêng, nói năng tránh nói từ "rớt" chỉ được gọi là "chảy" cho nó lành. Đã có không ít người đi không trở về vì tai nạn leo trèo, sóng biển, tranh cướp.v.v, khi đi lấy Yến sào.

Chim Yến và nghề Yến sào gắn bó với con người, nó không chỉ báo hiệu mùa xuân, mang hạnh phúc, tình yêu đến cho mọi người mà còn là món quà quí thiên nhiên ban tặng cho chúng ta. Món quà đó nếu được tập trung đầu tư, khai thác, xây dựng và phát triển thành một sản phẩm du lịch cao cấp một cách qui mô, đồng bộ, thì chắc chắn giá trị của thương hiệu Yến sào Việt Nam sẽ ý nghĩa hơn nhiều cái giá 4.000 USD/kg thành phẩm bởi đó là thành công của Yến sào được gắn với du lịch Việt Nam...

Xuân về Tết đến ta thử một lần thưởng thức chén yến hấp đường phèn mát lịm tới tim gan để đón mùa xuân, mùa của tình yêu và hạnh phúc mà tạo hóa đã cho chúng ta.

Nguồn: baodulich

Có thể bạn quan tâm

Hỗ trợ trực tuyến